
Tại buổi diễn thuyết trước nhiều sinh viên, vị Giáo sư bắt đầu buổi nói chuyện bằng một bài khảo sát nhỏ. Ông đưa ra một tờ giấy trắng, trên đó có một dấu chấm đen rất dễ nhìn thấy và đặt câu hỏi với hội trường:

“Các bạn nhìn thấy đây là gì?”
Một người giơ tay phát biểu: “Em thấy một điểm đen”;
Một người khác: “Đó là một vết mực đen”;
Lại có bạn hài hước đùa rằng: “Là một nốt ruồi”. . . nhiều bạn khác giơ tay lên phát biểu với những ý kiến riêng nhưng có chung một “điểm thấy” là “có vệt mực đen”
“Có ai thấy gì khác nữa không?”. Có người nói: “Tờ giấy trắng và một chấm đen”.
Giáo sư nói: “Các em trả lời đều không sai, vệt đen quả là rất nổi bật trên trang giấy trắng. Nhưng này các em, sao không ai trong mỗi chúng ta nhận ra rằng tờ giấy này còn nhiều khoảng sạch lắm, còn hữu ích lắm. Ta có thể viết lên đó những dòng chữ có ích cho đời, nội dung và ý nghĩa của nó có thể giúp ta quên đi vệt đen gần đó. Đáng gì một chấm đen, một vệt đen mà bỏ đi cả trang giấy trắng quý giá”.
“Tôi đã làm ví dụ này với rất nhiều người và cũng nhận được câu trả lời tương tự, cũng dễ hiểu thôi vì đó là tâm lý chung của con người. Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy vết đen, vết bẩn, nhìn thấy cái xấu, cái sai của người khác mà lờ đi những khoảng trắng, những cái tốt đẹp, tích cực của người ta.”
“Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, có người đôi khi cũng sẽ mắc lỗi lầm, có thể lỗi lầm đó chỉ nhỏ như một chấm đen trên tờ giấy trắng rộng, vì một chấm đen mà chúng ta bỏ đi một tờ giấy trắng còn hữu ích, có nên chăng?
SHOPDUYVU.COM SƯU TẦM